Sách nói liên quan
Quay lạiTóm lại, tất cả mọi sự việc trên đời này đều do nhân quả, dù con có lo hay không lo cũng không tránh khỏi nhân quả. Nhân quả chỉ có chuyển hóa bằng cuộc sống thiện thì mọi việc sẽ tốt đẹp nhất.
Chúng ta và vạn sinh vật do từ các duyên hợp lại sinh ra, cho nên chúng ta phải thương yêu nhau, thương yêu tất cả chúng sinh, vì có thương yêu chúng sinh thì chúng ta mới bảo vệ sự sống của muôn loài và của chính chúng ta. Nếu vô tình chúng ta hủy hoại sự sống của chúng sinh (sự sống của loài vật), là chúng ta tự huỷ hoại sự sống của chính mình.
Bởi vì một giới luật của Phật là một hành động đạo đức làm người, làm thánh, hành động đạo đức làm người, làm thánh là hành động thiện. Cho nên, chúng ta giữ gìn được một giới luật của Phật là chúng ta đã tăng trưởng thêm một điều thiện, tăng trưởng thêm một điều thiện là làm giảm bớt đi một điều ác, giảm bớt đi một điều ác là giảm bớt một sự khổ đau của mình của người, giảm bớt sự khổ đau của mình của người là giải thoát phải không hỡi các bạn?
Con người là thừa tự của nghiệp lực nhân quả. Nghiệp lực nhân quả là cha mẹ đẻ sanh ra loài người, vì thế làm sao có sự đau khổ ngoài luật nhân quả được. Cho nên, người sống đúng đạo đức nhân bản không làm khổ mình khổ người là người sống đúng đạo luật nhân quả, nên chuyển tất cả quả khổ thành quả vui, mình vui người vui.
Nhân quả muốn chuyển được thì phải vui vẻ chấp nhận để trả nợ nhân quả. Khi đứng trước hoàn cảnh tai nạn bệnh tật thì không nên buồn rầu, lo sợ, không nên than thân trách phận, không nên đổ thừa cho ai cả mà hãy vui vẻ nhận chịu một cách tự nhiên đầy can đảm và dũng cảm.
Luật nhân quả làm sao ai tránh khỏi? Nhưng chúng ta biết chuyển hóa nên nhân quả nghiệp báo vô tác dụng. Hãy xem nó là một trò diễn xuất trên sân khấu nhân quả, chẳng có gì đáng cho tâm các con phải buồn khổ. Vì thế, đứng trước cảnh nghiệp báo nhân quả mà tâm bất động, đây là đạo lộ của Phật giáo giải quyết đời sống an vui, hạnh phúc của kiếp người. “Hãy tự thắp đuốc lên mà đi!” con ạ!
Một người làm ác luôn luôn làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh thì nghiệp ác ấy chẳng bao giờ trở lại làm người, cho nên Đức Phật ví dụ bọng cây và con rùa mù giữa biển, có nghĩa là nghiệp ác không bao giờ trở lại làm thân người nữa được, phải thời gian lâu lắm trả cho hết nghiệp ác đã làm, khi trả hết nghiệp ác đã làm thì nghiệp còn lại tương ưng với loài người thì mới sanh ra làm người.
Muốn cứu giúp mọi người thoát khỏi làn sóng đại dịch cúm gia cầm và những thiên tai, lũ lụt, động đất, sóng thần, bão tố, v.v.. thì chỉ có mọi người phải thông hiểu nhân quả. Chính thông hiểu nhân quả nên mọi người phải tự cứu mình bằng cách ngưng bàn tay ác độc giết hại chúng sanh, ngưng sự sống ác độc nhẫn tâm đối với sự sống của các loài vật khác và ngưng ăn thịt chúng sanh tức là phải sống theo sự hướng dẫn của ĐẠO ĐỨC NHÂN BẢN - NHÂN QUẢ.
Đừng sợ chất độc mà chỉ sợ cơ thể mất sức đề kháng. Cơ thể con người là một bộ máy rất tinh vi, nó đủ khả năng đương đầu với mọi loại vi trùng, vi khuẩn và tất cả những chất độc. Miễn chúng ta ăn uống có tiết độ, giữ gìn đức vệ sinh từ trong thân đến mọi vật, từ đất đá núi sông đến không khí, nước uống, v.v.. thì chúng ta chẳng sợ chất độc nào cả.
Tóm lại lòng thương yêu của mọi người cần phải được phát triển như Đức Phật đã dạy: “Sanh thiện, tăng trưởng thiện”. Sanh thiện, tăng trưởng thiện tức là đặt lòng thương yêu đúng chỗ, đúng chỗ tức là đặt đúng vào lộ trình của nhân quả thì lòng thương yêu mới phát triển. Lòng thương yêu đặt đúng chỗ thì con người trên thế gian này không còn làm khổ cho nhau nữa, tức là Thiên Đàng, Cực Lạc.
Muốn chuyển đổi thói quen xấu ác thành thói quen tốt đẹp hiền thiện thì hằng ngày tu tập không làm khổ mình, khổ người và không làm khổ chúng sanh, nhờ biết sống tu tập như vậy thì huân tập nghiệp thiện trở thành chứng quả A La Hán. Quả A La Hán là quả toàn thiện, tức là thói quen thiện. Thói quen thiện là thương yêu người và động vật, cỏ cây. Khi chuyển thói quen xấu ác thành thói quen tốt hiền thiện thì làm chủ sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi.
Con thấy mấy người tốt họ làm ăn phát đạt ghê gớm lắm, còn mấy người keo kiệt, làm mà xấu tính chi li thì họ càng ngày càng suy sụp, bởi vì tính ích kỷ, bỏn xẻn thì nó phải suy sụp thôi. Cho nên, Phật giáo dạy rất hay về nhân quả, phải cởi mở cái lòng nhân của mình càng tốt chừng nào thì phước báo mình càng chồng chất, đó là phước hữu lậu.