Ấn bản điện tử liên quan
Quay lạiNhững Lời Gốc Phật Dạy – Tập 1
“Những Lời Gốc Phật Dạy” là tên bộ sách nhiều tập gồm những lời Phật dạy ngắn gọn được rút ra từ những bài kệ và những bài kinh trong tạng kinh Nikaya, nói lên rõ ý nghĩa và mục đích giải thoát của Đạo Phật, nhất là những pháp hành thực tế, cụ thể, đem lại cho mình, cho người một tâm hồn thanh thản, an vui và vô sự, lúc nào cũng bất động trước các ác pháp và các cảm thọ, luôn luôn không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh.
Nhân quả quá khứ có chuyển được không?
Đạo đức sống không làm khổ mình không làm khổ người là một phước báu rất lớn cho những ai thực hiện nó. Không làm khổ mình khổ người là cách sống không gieo nhân ác trong hiện tại, do đó đã chấm dứt quả khổ trong tương lai. Như vậy, đạo đức không làm khổ mình khổ người là một phương pháp sống chuyển hóa nhân quả trong ba thời: hiện tại, vị lai và quá khứ.
Thọ Bát Quan Trai là gieo duyên giải thoát ngày mai
Nếu đời này các con chưa đủ duyên tu hành, thì ngày Thọ Bát Quan Trai là ngày tạo nghiệp thánh thiện để kiếp sau nối tiếp duyên tu hành đến nơi đến chốn, giải thoát hoàn toàn. Do đó, hãy tu tập đúng pháp trong ngày này để trong hiện tại các con sống có đức hạnh, không làm khổ mình khổ người, biết nhẫn nhục, tùy thuận và tạo nên mùa xuân an lạc cho mình cho người.
Đạo Phật bắt đầu tu tập từ chỗ khổ đau đến chấm dứt khổ đau, tức là bắt đầu tu tập bằng cách triển khai tri kiến giải thoát, nhờ có triển khai tri kiến hiểu biết nên mới có cách thức ly dục ly bất thiện pháp. Hằng ngày dùng tri kiến giải thoát nên việc xả các chướng ngại pháp rất dễ dàng. Vì thế, Đạo Phật được gọi là đạo giải thoát. Giải thoát bằng tri kiến hiểu biết, nên Đạo Phật được gọi là đạo trí tuệ.
Làm sao sống khi không ăn thực vật
Vì sống để nuôi thân, để sống đạo đức không làm khổ mình khổ người, chuyển hóa nhân quả từ vô lượng kiếp nên chúng ta phải ăn những thực phẩm thực vật, để đến khi sống toàn thiện thì không còn tiếp tục tái sanh luân hồi. Không còn tiếp tục tái sanh luân hồi thì chấm dứt sự sống phải ăn với nhau nữa dù là thực phẩm thực vật. Vì thế chúng ta ăn để sống, sống để tu hành cho đến khi chấm dứt sanh tử luân hồi.
Tóm lại, tất cả mọi sự việc trên đời này đều do nhân quả, dù con có lo hay không lo cũng không tránh khỏi nhân quả. Nhân quả chỉ có chuyển hóa bằng cuộc sống thiện thì mọi việc sẽ tốt đẹp nhất.
Trước khi đi chơi con nên nhớ nhắc tâm: “Tâm phải biết tha thứ và thương yêu mọi người, mọi loài vật, dù ai có làm khổ mình nhưng mình không được làm khổ ai”. Nhờ có hướng tâm như vậy khi có ai đó làm con bất toại nguyện, con liền nhớ tha thứ và thương yêu thì tâm con hết phiền não, con nhớ tu tập nó sẽ giúp con vui tươi hạnh phúc và sống một đời sống đạo đức.
Tất cả mọi sự việc xảy ra trong cuộc đời này con hãy nhìn nó bằng nhân quả thiện ác chứ đừng nhìn nó bằng đôi mắt đúng sai, phải trái thì mọi sự khổ đau sẽ được chấm dứt. Con luôn hãy nhớ lời dạy này, nó là bùa hộ mệnh của con.
Bởi vì một giới luật của Phật là một hành động đạo đức làm người, làm thánh, hành động đạo đức làm người, làm thánh là hành động thiện. Cho nên, chúng ta giữ gìn được một giới luật của Phật là chúng ta đã tăng trưởng thêm một điều thiện, tăng trưởng thêm một điều thiện là làm giảm bớt đi một điều ác, giảm bớt đi một điều ác là giảm bớt một sự khổ đau của mình của người, giảm bớt sự khổ đau của mình của người là giải thoát phải không hỡi các bạn?
Muốn chấm dứt tái sinh luân hồi thì ngay từ bây giờ các cụ, các bác phải siêng năng tận lực tu tập, rèn luyện: trước các chướng ngại pháp thiện hay ác, vui hay buồn đều phải buông xuống, buông xuống cho thật sạch, nhưng phải buông xuống như thế nào đây? Buông xuống bằng phương pháp hướng tâm, bằng phương pháp Như Lý Tác Ý, bằng phương pháp quán tư duy, bằng phương pháp nhân quả, bằng phương pháp Định Niệm Hơi Thở, bằng phương pháp tác ý tâm thanh thản, an lạc và vô sự, bằng tri kiến giải thoát.
Đức Bi Tâm có nghĩa là mỗi hành động của bạn bao giờ cũng an ủi, xoa dịu những vết thương đau của chúng sanh khiến cho mọi loài đều được bình an, yên ổn. Đức Bi Tâm luôn nhìn, suy nghĩ mọi việc và mọi đối tượng trong thiện pháp, không hề có một chút ác pháp nào. Khi áp dụng vào đời sống thì Đức Bi Tâm là những hành động không làm hại mình, người giữ tâm bất động trước ác pháp là người có Đức Bi Tâm.
Từ đây về sau, trong cuộc đời này không ai làm động tâm chúng ta được, nhất định là ta không làm ác cho người khác, chúng ta có thể rơi giọt nước mắt thương người chứ đừng làm cho người đổ giọt nước mắt vì chúng ta làm khổ họ, đó là con đường tu tập của Đạo Phật.