Ngày đăng  

19/12/2023, 09:38

NỘI DUNG MÔ TẢ

Người thế gian chỉ vì thấy lỗi người mà phải chịu khổ trăm cay ngàn đắng, còn các con bỏ đời đi tu để ra khỏi nhà sinh tử mà còn thấy lỗi người, nay phê bình người này, mai chỉ trích người khác. Còn bươi móc chuyện thế gian xấu tốt của nhau thì đạo làm sao có ở trong các con được? Chánh đạo luôn luôn ở trong đời sống của mọi người có đạo đức, chứ đạo đâu có ở ngoài đời. Sống biết thương yêu và tha thứ mọi lỗi lầm của nhau là đạo.
Trưởng lão Thích Thông Lạc

Quý bạn đọc vui lòng chọn định dạng pdf hoặc epub, rồi nhấn nút “Đọc” ở trên để đọc toàn bộ nội dung tư liệu, hoặc xem trực tiếp như sau:

Chơn Như, ngày 2 tháng 9 năm 2007

THẤY LỖI MÌNH ĐỪNG THẤY LỖI NGƯỜI

Kính gửi các con thân thương!

Hỡi các con thân thương! Con đường tu tập đi đến cứu cánh giải thoát của Phật giáo như các con đã biết, “TÂM BẤT ĐỘNG TRƯỚC CÁC ÁC PHÁP VÀ CÁC CẢM THỌ”.

Nếu đứng trước các ác pháp mà tâm các con còn bị động thì đứng trước các cảm thọ làm sao các con chịu nổi. Có đúng như vậy không hỡi các con? Vì thế, “THẤY LỖI MÌNH ĐỪNG THẤY LỖI NGƯỜI” là một phương pháp tuyệt vời của Phật giáo để giữ gìn tâm bất động. Thế sao các con không tu tập như vậy mà cứ thấy lỗi người không thấy lỗi mình, lại còn nói xấu người, chê bai, chỉ trích người khác. Vậy ai tốt, ai xấu ở đây? Người thấy lỗi người, nói xấu người là người tốt lắm sao các con?

Trong đời có cái gì thật đâu, có cái gì là của mình đâu. Phải không các con? Toàn là các pháp vô thường. Vậy sao các con còn muốn hơn thiệt, đúng sai phải trái mà không lo tu TÂM BẤT ĐỘNG. Hơn thiệt, đúng sai, phải trái để làm gì hỡi các con?

Trên đời còn có cái gì để các con giữ gìn nữa đâu. Các con có thấy không? Nếu không phải TÂM BẤT ĐỘNG TRƯỚC CÁC ÁC PHÁP VÀ CÁC CẢM THỌ thì còn cái gì nữa. Nếu không nhờ Đức Phật chỉ dạy BỐN CHÂN LÝ thì thế gian này toàn là rỗng không và đau khổ. Phải không các con? Các con có thấy người nào chết còn mang theo được những gì? Hay chỉ còn mang theo những tội ác nghiệp báo? Điều đó chắc chắn các con ạ!

Mọi người trên hành tinh này họ đang trang bị cho mình những hành lý tội ác nghiệp báo ấy để đi vào cõi chết. Các con có biết không? Chính các con cũng đang trang bị cho mình những hành lý như vậy, bởi vì các con đang thấy lỗi người, không thấy lỗi mình. Các con hãy dừng lại những hành động lỗi lầm này may ra còn có thể cứu chữa kịp, nếu không thì các con đã, đang và sẽ mãi mãi trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi nghiệp báo, tràn đầy khổ đau.

Khi chết đi, tất cả thân ngũ uẩn đều tan rã sạch không còn một uẩn nào hết các con ạ!

Người chết đi chỉ còn từ trường nghiệp lực nhân quả tội ác tương ưng với người hay thú vật mà tái sinh luân hồi, chứ không có linh hồn, thần thức nào cả. Linh hồn, thần thức là ảo tưởng của con người do tưởng uẩn của người còn sống tạo tác ra qua một hình ảnh huyền ảo. Còn người chết thì tan rã, tiêu sạch không còn một vật gì ngay khi tắt thở.

Luật nhân quả rất khít khao không kẽ hở thời gian. Khi còn sống tạo tác theo lòng tham muốn (tâm ái dục) trong vòng tay ngũ triền cái tạo ra nhân quả nghiệp báo tội ác, thì khi chết đi phải tương ưng tái sinh ngay liền với những người hay những thú vật cũng có tâm tham muốn, cũng trong vòng tay ngũ triền cái tạo ra nhân quả nghiệp báo tội ác như vậy để sinh ra làm người và làm thú vật trả vay nghiệp báo tội ác mà thân trước kia đã làm, chứ không như kinh sách Đại thừa dạy: người chết rồi thần thức chưa đi đầu thai phải lang thang vất vưởng trong vòng 49 ngày. Đây là một loại ảo tưởng mê tín có sách vở, kinh doanh tôn giáo, làm tiền tín đồ mê tín nhẹ dạ dễ tin.

Sau khi nhập Tứ Thánh Định, sử dụng mắt Tam Minh quan sát chẳng thấy có linh hồn, thần thức nào cả; cũng chẳng thấy quỷ, ma, thần, thánh, Ngọc Hoàng Thượng Đế nào cả; cũng chẳng thấy có Chúa Trời, Chúa Đất, chư Phật, chư Bồ Tát, chư Thiên nào cả, v.v.. mà chỉ thấy những từ trường hình ảnh ác, thiện của loài người và muông thú trong không gian vô tận, nhất là từ trường tâm bất động của chư Phật, chứ không có Đức Phật. Các con nên lưu ý, nếu không thì các con cũng mù quáng mê tín, sống trong ảo tưởng như những người khác.

Người thế gian chỉ vì thấy lỗi người mà phải chịu khổ trăm cay ngàn đắng, còn các con bỏ hết đời vào Tu viện tu tập để ra khỏi nhà sinh tử mà còn thấy lỗi người, còn hơn thiệt, còn tranh đua, còn kiện tụng, còn nói xấu thầy này, thầy khác. Tất cả các thầy đều là huynh đệ chung trong một nhà, dù họ ở trong bất cứ một hệ phái nào, các thầy không có ai sai cả, chỉ có pháp sai. Pháp sai thì nên chỉnh sửa pháp cho đúng lại, chứ sao nói xấu nhau, vạch lưng cho người khác xem thẹo ư! Việc làm ấy có tốt chăng hỡi các con?

Cuốn sách “Giặc Thầy Chùa”, tác giả là người thế gian họ muốn khen chê sao cũng được, chúng ta cũng không nên bắt chước họ lối chỉ trích, phê phán nhau như vậy, đó là vì nó mang tính chất bè phái, thiên kiến, chính trị, nói xấu, gây chia nhau, v.v..

Người sinh ra trên đời có ai không có những phút lầm lạc, nhưng lầm lạc thì cần phải sửa sai, thì đó là một sự chuyển đổi làm cho đời sống tốt lại. Thánh nhân cũng từ phàm phu tội lỗi, nhưng các Ngài biết khắc phục sửa sai mình mà trở thành Thánh nhân, chứ đâu có Thánh nhân sẵn, Thánh nhân có sẵn là Thánh nhân do con người tưởng tượng ra. Đức Khổng Phu Tử còn sai kia mà! Chúng ta là Phật tử, là tu sinh Chơn Như không nên bắt chước họ, nay phê bình người này, mai chỉ trích người khác, nhất là huynh đệ với nhau cùng một thầy, một lò mà ra, sao các con làm như vậy. Các con đã đi sai tông chỉ của Phật giáo.

Tông chỉ của Phật giáo là chuyển đổi đời sống thiếu đạo đức của thế gian trở thành đời sống thế gian có đạo đức, chứ không phải chúng ta bỏ đời để đi tu. Đi tu có nghĩa là làm tốt cho đời, làm cho đời thiện lành hơn, làm cho đời có đạo đức, v.v.. Cho nên đời sống có gì phải bỏ đâu các con? Bỏ đời để tìm đạo là sai, đạo thì ở trong đời, ngoài đời đi tìm đạo không bao giờ có. Phải không các con?

Nghe Thầy nói đến đây các con sẽ hỏi: “Chứ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni bỏ cung vàng, điện ngọc, vợ đẹp, con thơ, cha già, mẹ yếu đi vào rừng hoang vắng tu hành sáu năm khổ hạnh. Như vậy không phải bỏ đời sao?”.

Sao các con lại hiểu Đức Phật nông cạn như vậy? Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đâu có bỏ đời. Khi đi dạo ra bốn cửa thành Ngài đã thấy bốn sự đau khổ của loài người quá khổ, nên Ngài từ bỏ những sợi dây trói buộc tạo nhiều đau khổ cho kiếp người, đó là ái kiết sử, danh, lợi, sắc, thực, thùy để vào rừng yên tịnh, một bóng một hình, nhờ đó Ngài tư duy tìm ra một đường lối, một phương pháp làm cho đời không còn khổ đau nữa, tốt đẹp hơn, chứ Ngài có bỏ đời đâu? Các con nghĩ như vậy là các con đã nghĩ sai về Đức Phật, các con hãy sám hối đi!

Nếu bảo rằng Đức Phật bỏ đời thì hôm nay làm gì chúng ta có bốn chân lý TỨ THÁNH ĐẾ; làm gì chúng ta có nền đạo đức nhân bản – nhân quả, sống không làm khổ mình khổ người; làm gì chúng ta có chương trình giáo dục BÁT CHÁNH ĐẠO đào tạo những bậc A LA HÁN.

Chánh đạo luôn luôn ở trong đời sống của mọi người có đạo đức, chứ đạo đâu có ở ngoài đời. Sống biết thương yêu và tha thứ mọi lỗi lầm của nhau là đạo. Vì thế, chúng ta phải hiểu nghĩa cho rõ ràng: bỏ đời sống ác không có nghĩa là bỏ đời. Bỏ đời sống ác là để chuyển đổi làm thay đổi thành đời sống thiện, đời sống có đạo đức. Vậy các con bươi móc chuyện thế gian xấu tốt của nhau thì đạo làm sao có ở trong các con được. Các con có thấy điều này không hỡi các con? Các con làm như vậy có tốt cho các con không? Hay vì các con ganh tỵ, hơn thiệt nhau hay sợ người khác hơn mình? Không sợ người khác hơn mình sao lại nói xấu người khác, để lộ chân tướng phàm phu tham danh, tham quyền, khiến cho người trí thức hiểu biết phải lắc đầu, cho rằng đệ tử của Tu viện Chơn Như còn tập khí hơn đời thường. Và như vậy các con theo Thầy tu hành tự làm mất hạt giống giải thoát của Phật giáo, thật là trái đạo! Thật là không xứng đáng với người tu hành Tứ Vô Lượng Tâm: Từ, Bi Hỷ, Xả!

Còn thấy lỗi người thì lòng từ bi thương yêu và tha thứ của Phật giáo của các con có còn không? Điều này các con có biết không? Tất cả các pháp trên thế gian này có pháp nào là con, là của con, là bản ngã của con đâu, hãy chỉ cho Thầy xem đi? Nếu không có pháp nào là con, là của con, là bản ngã của con, tại sao các con lại thấy lỗi người? Các con có hiểu chăng?

Con người là con người NHÂN QUẢ, có con người nào ngoài nhân quả mà có đâu? Rồi các con hãy xem xét xa hơn đến sự sống của muôn loài vạn vật trên hành tinh này, mọi vật đều do nhân quả hợp duyên sinh ra. Vậy có vật nào ngoài nhân quả mà có đâu? Vậy sao các con vô minh cố chấp ôm cứng cái không phải của các con để chịu khổ chịu đau muôn đời muôn kiếp trôi lăn trong lục đạo.

Các con đã bỏ đời vô đạo đức đi tìm đạo để chuyển đời làm cho đời có đạo đức như trên đã nói, tức là đi tìm chỗ tâm không nhân quả. Vậy chỗ tâm không nhân quả là cái gì các con có biết không? Đó là chỗ TÂM BẤT ĐỘNG TRƯỚC CÁC ÁC PHÁP VÀ CÁC CẢM THỌ. Tâm còn động là còn nhân quả, còn nhân quả thì còn tái sinh luân hồi. Các con có hiểu không? Vậy còn thấy lỗi người là tâm các con còn động. Tu theo Phật giáo mà tâm còn động thì dù cho các con có tu trải muôn ngàn kiếp cũng không giải thoát được.

Một phương pháp nữa để tu tập tâm bất động, đó là “TỨ VÔ LƯỢNG TÂM”.

Nói đến Tứ Vô Lượng Tâm là nói đến pháp độc nhất vô nhị của Phật giáo để làm chủ sinh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi, thì “ĐỨC HIẾU SINH” là sinh mạng, là sự sống của các con, của người Phật tử, của tu sinh Chơn Như, nó là đạo quân tiên phong xông vào MẶT TRẬN NHÂN QUẢ để giải quyết sinh tử luân hồi. Nếu các con tu hành mà thiếu ĐỨC HIẾU SINH thì cũng giống như người đi đánh giặc mà không có quân thiện chiến, chỉ toàn là những quân ô hợp thì làm gì thắng trận được. Nếu ai biết dùng ĐỨC HIẾU SINH trong cuộc sống hằng ngày thì tâm người đó không bao giờ thấy lỗi người, do không thấy lỗi người nên TÂM BẤT ĐỘNG, do tâm bất động là có giải thoát ngay liền. Còn những người thường thấy lỗi người thì đó những người thế gian phàm phu tục tử, dù họ là người tu sĩ nhưng họ không phải là tu sĩ Phật giáo mà họ là những tu sĩ Bà La Môn.

Nếu tu sinh nào tu tập theo Phật giáo Nguyên Thủy mà còn thấy lỗi người, sống thiếu đức hiếu sinh và thiếu đức tha thứ, chính họ là những tu sĩ của Bà La Môn, họ không xứng đáng vào Giáo Đoàn Chơn Như. Giáo Đoàn Chơn Như gồm có: Tăng đoàn, Nam cư sĩ đoàn, Ni đoàn và Nữ cư sĩ đoàn. Đó là bốn giới đệ tử của Tu viện Chơn Như.

Bây giờ các con học lớp hiếu sinh, không phải chỉ biết đức hiếu sinh mà còn học nhiều hơn nữa, nhưng phải chia ra giờ nào học, tu pháp nào cho rõ ràng.

Ví dụ: giờ đến lớp học, giờ làm bài ở trong thất, giờ đọc thêm sách trong thư viện của tu viện, giờ ngồi giữ tâm thanh thản, an lạc và vô sự, giờ đi kinh hành chánh niệm tĩnh giác và giờ nhiếp tâm trong hơi thở, v.v..

Muốn xem sách thêm nên đọc kỹ những bộ sách: Cẩm Nang Phật Giáo Nguyên Thủy, Thiền Căn Bản, Hành Thập Thiện và Tứ Vô Lượng tâm, Tứ Bất Hoại Tịnh, Những Chặng Đường Tu Học Của Người Cư Sĩ, Thời Khóa Tu Tập Trong Thời Đức Phật, Tạo Duyên Hóa Độ Chúng Sinh, Đạo Đức Làm Người, Những Lời Gốc Phật Dạy, Văn Hóa Truyền Thống Phật Giáo, Đường Về Xứ Phật, Giáo Án Rèn Nhân Cách, v.v.. Nhất là sách chưa có xin phép thì không nên photo, chờ khi nào có giấy phép mới được photo thêm.

Người tu hành chưa xong mà điện thoại di động trong túi thì còn gì là tu hành nữa các con? Nên ra đời sống như mọi người thế gian là tốt hơn. Tu sĩ mà có điện thoại di động thì cái tâm của họ là cái chợ.

Tu sĩ còn sợ chết uống thuốc có loài động vật thì còn gì là giới luật Phật. Trên đời này có loại thuốc nào uống vào mà thân chấm dứt bệnh hẳn đâu? Uống hết bệnh này thì lại sinh ra bệnh khác. Bệnh là do nghiệp của nhân quả thiện ác. Các con chưa ra khỏi nhân quả thì thân phải còn bệnh, đó là một sự tất yếu của đời sống con người, một quy luật tự nhiên của nhân quả. Các con có thân không ai trốn tránh khỏi bệnh đâu. Vậy mà sao các con lại sợ bệnh?

Muốn không sợ bệnh thì các con nên nhiếp tâm và an trú tâm trong thân hành nội thì bệnh làm gì được các con. Thuốc trường sinh bất tử chỉ là một ảo tưởng của loài người, vậy mà có người mê muội tin rằng có thật, thật là vô minh, sống trong không tưởng!

Thời gian tuổi đời các con còn ít lắm, khi vô thường đến thì thân này mất khó tìm lại được. Đời khổ lắm, hơn thua nhau từng lời nói làm chi, cần phải lặng im như Thánh, giữ gìn tâm bất động để ra khỏi nhà sinh tử, suốt ngày để tâm hết chuyện này tới việc khác như cái chợ, khi chết sẽ mờ mịt và tương ưng tái sinh sẽ đi vào cảnh khổ. Các con nên nhớ những lời dạy này!

Thăm và chúc các con vui mạnh, tu tập đừng thấy lỗi người!

Thân thương chào các con!

Thầy của các con

THÔNG TIN TÁC GIẢ

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Xem thêm

Tu có đối tượng (Diệu Hiền)

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Diệu Hiền

Đạo Phật tu không khó nhưng các con nên nhớ lấy: “Tu sai một đường tơ, ngàn năm không thấy đạo”. Đức Phật dạy “sống độc cư” không có nghĩa là sống tránh duyên, mà sống trong mọi hoàn cảnh, mọi duyên nhưng tâm không phóng dật, tức là sống ngăn ác diệt ác pháp. Từ cuộc sống đó chúng ta suy ra, hạnh độc cư tức là sống trong các chướng ngại mà tâm không hề dao động.

Nhìn đời bằng nhân quả

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Minh Nghĩa

Đạo Phật nói đời khổ là để vượt qua mọi sự đau khổ của cuộc đời, chứ không có nghĩa là trốn tránh khổ, nói cách khác cho đúng nghĩa của Đạo Phật là làm cho đời hết khổ, làm cho đời hết khổ là phải tích cực hết mình. Vì thế, đạo đức của Đạo Phật là đạo đức không làm khổ mình khổ người, mà không làm khổ mình khổ người thì làm sao có sự tiêu cực, vô cảm, lãnh đạm… được?
5.0
Tổng 7 lượt bình luận

Ban biên tập

09:41 19 Th12 2023
2

“Nếu tu sinh nào tu tập theo Phật giáo Nguyên Thủy mà còn thấy lỗi người, sống thiếu đức hiếu sinh và thiếu đức tha thứ, chính họ là những tu sĩ của Bà La Môn, họ không xứng đáng vào Giáo Đoàn Chơn Như. Giáo Đoàn Chơn Như gồm có: Tăng đoàn, Nam cư sĩ đoàn, Ni đoàn và Nữ cư sĩ đoàn. Đó là bốn giới đệ tử của Tu viện Chơn Như.” (Trưởng lão Thích Thông Lạc)

Ban biên tập

09:41 19 Th12 2023
2

“Các con đã bỏ đời vô đạo đức đi tìm đạo để chuyển đời làm cho đời có đạo đức như trên đã nói, tức là đi tìm chỗ tâm không nhân quả. Vậy chỗ tâm không nhân quả là cái gì các con có biết không? Đó là chỗ TÂM BẤT ĐỘNG TRƯỚC CÁC ÁC PHÁP VÀ CÁC CẢM THỌ. Tâm còn động là còn nhân quả, còn nhân quả thì còn tái sinh luân hồi. Các con có hiểu không? Vậy còn thấy lỗi người là tâm các con còn động. Tu theo Phật giáo mà tâm còn động thì dù cho các con có tu trải muôn ngàn kiếp cũng không giải thoát được.” (Trưởng lão Thích Thông Lạc)

Ban biên tập

09:40 19 Th12 2023
2

“Còn thấy lỗi người thì lòng từ bi thương yêu và tha thứ của Phật giáo của các con có còn không? Điều này các con có biết không? Tất cả các pháp trên thế gian này có pháp nào là con, là của con, là bản ngã của con đâu, hãy chỉ cho Thầy xem đi? Nếu không có pháp nào là con, là của con, là bản ngã của con, tại sao các con lại thấy lỗi người? Các con có hiểu chăng?” (Trưởng lão Thích Thông Lạc)

Ban biên tập

09:40 19 Th12 2023
1

“Chánh đạo luôn luôn ở trong đời sống của mọi người có đạo đức, chứ đạo đâu có ở ngoài đời. Sống biết thương yêu và tha thứ mọi lỗi lầm của nhau là đạo. Vì thế, chúng ta phải hiểu nghĩa cho rõ ràng: bỏ đời sống ác không có nghĩa là bỏ đời. Bỏ đời sống ác là để chuyển đổi làm thay đổi thành đời sống thiện, đời sống có đạo đức. Vậy các con bươi móc chuyện thế gian xấu tốt của nhau thì đạo làm sao có ở trong các con được. Các con có thấy điều này không hỡi các con? Các con làm như vậy có tốt cho các con không? Hay vì các con ganh tỵ, hơn thiệt nhau hay sợ người khác hơn mình? Không sợ người khác hơn mình sao lại nói xấu người khác, để lộ chân tướng phàm phu tham danh, tham quyền, khiến cho người trí thức hiểu biết phải lắc đầu, cho rằng đệ tử của Tu viện Chơn Như còn tập khí hơn đời thường. Và như vậy các con theo Thầy tu hành tự làm mất hạt giống giải thoát của Phật giáo, thật là trái đạo! Thật là không xứng đáng với người tu hành Tứ Vô Lượng Tâm: Từ, Bi Hỷ, Xả!” (Trưởng lão Thích Thông Lạc)

Ban biên tập

09:40 19 Th12 2023
1

“Tông chỉ của Phật giáo là chuyển đổi đời sống thiếu đạo đức của thế gian trở thành đời sống thế gian có đạo đức, chứ không phải chúng ta bỏ đời để đi tu. Đi tu có nghĩa là làm tốt cho đời, làm cho đời thiện lành hơn, làm cho đời có đạo đức, v.v.. Cho nên đời sống có gì phải bỏ đâu các con? Bỏ đời để tìm đạo là sai, đạo thì ở trong đời, ngoài đời đi tìm đạo không bao giờ có. Phải không các con?” (Trưởng lão Thích Thông Lạc)

Ban biên tập

09:40 19 Th12 2023
1

“Người sinh ra trên đời có ai không có những phút lầm lạc, nhưng lầm lạc thì cần phải sửa sai, thì đó là một sự chuyển đổi làm cho đời sống tốt lại. Thánh nhân cũng từ phàm phu tội lỗi, nhưng các Ngài biết khắc phục sửa sai mình mà trở thành Thánh nhân, chứ đâu có Thánh nhân sẵn, Thánh nhân có sẵn là Thánh nhân do con người tưởng tượng ra. Đức Khổng Phu Tử còn sai kia mà! Chúng ta là Phật tử, là tu sinh Chơn Như không nên bắt chước họ, nay phê bình người này, mai chỉ trích người khác, nhất là huynh đệ với nhau cùng một thầy, một lò mà ra, sao các con làm như vậy. Các con đã đi sai tông chỉ của Phật giáo.” (Trưởng lão Thích Thông Lạc)

Ban biên tập

09:39 19 Th12 2023
1

“Mọi người trên hành tinh này họ đang trang bị cho mình những hành lý tội ác nghiệp báo ấy để đi vào cõi chết. Các con có biết không? Chính các con cũng đang trang bị cho mình những hành lý như vậy, bởi vì các con đang thấy lỗi người, không thấy lỗi mình. Các con hãy dừng lại những hành động lỗi lầm này may ra còn có thể cứu chữa kịp, nếu không thì các con đã, đang và sẽ mãi mãi trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi nghiệp báo, tràn đầy khổ đau.” (Trưởng lão Thích Thông Lạc)

VIẾT BÌNH LUẬN

THÔNG TIN BỔ SUNG

  • Tác giả

    Trưởng lão Thích Thông Lạc

  • Thời gian

    2/9/2007

  • Khổ giấy

    14x20,5 cm

  • Số trang

    14

  • Thể loại

    Tâm thư

  • Dữ liệu

    file pdf, epub

  • Ngôn ngữ

    Tiếng Việt

  • Phù hợp cho

    Máy tính, máy tính bảng, smartphone