Trưởng lão Thích Thông Lạc

Trưởng lão Thích Thông Lạc, người đã tu tập làm chủ sanh, già, bệnh, chết, dựng lại chánh pháp của Đức Phật Thích Ca, thắp sáng lên ngọn đèn đạo đức nhân bản – nhân quả, sống không làm khổ mình khổ người cho nhân loại trên hành tinh này.

ĐÔI NÉT VỀ THẦY THÔNG LẠC

Thầy của chúng ta, Trưởng lão Thích Thông Lạc, thế danh là Lê Ngọc An, sinh ngày 4/8 năm Mậu Thìn, nhằm ngày 17/9 dương lịch năm 1928, tại quê ngoại 18 Thôn Vườn Trầu, Xã Tân Thới Nhì, Quận Hóc Môn, Tỉnh Gia Định (Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay); lớn lên tại chùa Am, Ấp Gia Lâm, Xã Gia Lộc, Huyện Trảng Bàng, Tỉnh Tây Ninh. Thầy là con thứ tư trong gia đình.

Ông thân Thầy là Hòa thượng Thích Thiện Thành, thế danh là Lê Văn Huấn, trụ trì đời thứ tư Chùa Am, ông là một thầy thuốc đông y, thường chữa bệnh cho mọi người, vì thế Chùa Am giống như trạm y tế xã, bình thường mọi người tới trị bệnh đông như ngày hội. Mẹ Thầy là tín nữ Thiện Tâm, tên thật là Nguyễn Thị Nhung, người trông nom Chùa Am.

Lên 8 tuổi, Thầy được ông thân cho xuất gia theo Hòa thượng Huệ Tánh ở Chùa Phước Lưu với pháp danh Thích Thông Lạc. Ở đây Thầy được dạy Hán Văn và Kinh Điển. Thầy ở với Hòa thượng tới năm 25 tuổi mới đi.

Thầy bắt đầu học Phổ thông rất muộn, từ năm 16 tuổi và đến năm 25 tuổi Thầy mới học xong Trung học đệ nhất cấp. Thầy học rất giỏi, từ Tiểu học đến Trung học đều là học sinh xuất sắc.

Năm 25 tuổi, Thầy nhờ thầy Quảng Chánh đưa về chùa Ấn Quang để học khóa Tú Tài. Tại đây, Hòa thượng Thiện Hòa đặc biệt thương mến Thầy, giữ Thầy ở lại chùa Giác Ngộ để yên tâm tu tập. Xong Tú Tài, Thầy về ghi tên học tại trường Đại học Vạn Hạnh và dạy thêm Pháp văn tại trường Bồ Đề tại Chợ Lớn để tự túc kiếm sống và gửi tiền về tri ân bà con ở tại chùa Am quê nhà, khi mà chiến tranh tàn phá làm ngôi chùa đổ nát. Thầy hoàn thành xong chương trình Cử Nhân Phật Khoa tại Đại học Vạn Hạnh năm 1969. Cũng năm đó, Thầy được cử đi làm Hiệu trưởng trường Trung học Bồ Đề tại Định Tường, Mỹ Tho.

Trong thời gian là sinh viên, Thầy có tham gia vào hoạt động cách mạng trong phong trào học sinh sinh viên yêu nước.

Lúc ông thân Thầy lâm bệnh, Thầy trở về nhà chăm sóc vào cuối năm 1969, sau ba tháng thì ông thân Thầy mất năm 1970. Chứng kiến người cha rất mực thân thương của mình lăn lộn trên giường bệnh ra đi trong đau đớn, không biết là về phương nào, thấy cuộc đời này quá đau khổ, Thầy quyết tâm tu hành cho chứng đạo và cũng để tìm người cha hiền đã đi về đâu. Mặc dù lúc này Hòa thượng Thiện Hòa định gửi Thầy sang Nhật học Tiến sĩ nhưng Thầy chỉ muốn tu chứ không còn muốn điều gì khác nữa.

Thu xếp xong mọi chuyện, Thầy lại khoác chiếc áo tu hành, bắt đầu cho công cuộc đấu tranh đầy cam go nhưng oanh liệt là giành lại quyền làm chủ sanh tử cho bản thân mình. Đây là bước ngoặt lịch sử để một bậc làm chủ sanh, già, bệnh, chết ra đời dựng lại chánh pháp của Phật sau này.

Cùng năm đó thì có tin Thượng tọa Thanh Từ mở thiền viện để tu thiền, Hòa thượng Thiện Hòa viết thư giới thiệu Thầy tới Chân Không xin nhập thiền viện. Thầy đã lấy ý kiến của Thượng tọa trước, tự mình xin và được Thượng tọa chấp nhận, sau đó Thầy mới trình thư của Hòa thượng Thiện Hòa và điều này khiến cho Thượng tọa hài lòng.

Thầy đã trải qua nhiều pháp môn tu tập từ Mật Tông, Tịnh Độ Tông và Thiền Tông, ở pháp môn nào Thầy cũng nỗ lực hết sức đạt thành chỗ tâm đắc của pháp môn đó nhưng vẫn không làm chủ được sinh, già, bệnh, chết như kinh Phật đã dạy.

Ở Tu viện Chơn Không học thiền với Hòa thượng Thanh Từ trong ba tháng an cư kiết hạ vào năm 1970, được sư phụ giảng cho pháp môn tri vọng. Từ khi được chỉ dạy pháp môn tri vọng, với niềm tin vững chắc rằng hết vọng tưởng là thành công, Thầy như con Đại Tượng qua sông không ngoái đầu nhìn lại, đã tinh tấn không phút giây lơi lỏng. Có lần Hòa thượng tuyên bố: “Trong pháp hội có người đại tinh tấn”, mọi người ngầm hiểu đó là Thầy.

Rời khỏi Chân Không lên Hòn Sơn – Rạch Giá, ngồi tu ngót một năm trời trong cái hang đá, những thợ rừng thỉnh thoảng mang cơm gạo cúng dường Thầy, Thầy cảm thấy không tiện nên tập ăn lá cây rừng để sống. Hòn Sơn nơi đây là Thánh tích ghi dấu cho một con người quyết tâm tìm cầu sự giải thoát mọi sự đau khổ của kiếp sống làm người.

Ở Hòn Sơn, Thầy sống trong hang đá trên đỉnh Ma Thiên Lãnh. Những đêm khuya thanh vắng, tiếng tàu đánh cá ngoài khơi xa văng vẳng gợi lên lòng thương nhớ mẹ và em nơi quê nhà, trong khi đất nước còn bom cày đạn xé từng tấc đất yêu thương, bao nhiêu câu hỏi dồn dập trong đầu không sao trả lời được, bấy giờ pháp môn tri vọng vô phương, không sao dẹp được loạn tưởng này.

Rời Hòn Sơn trở về chùa Am quê nhà, Thầy nói với mẹ: “Mẹ ráng nuôi con ngày một bữa, đời con chỉ biết có tu hành mà thôi”. Nghe Thầy nói vậy, mẹ Thầy xúc động không cầm được nước mắt.

Khép cửa thất lại, Thầy bắt đầu sống cuộc đời cô đơn, cô độc gần mười năm liền.

Thời kỳ đầu, hoàn cảnh gia đình không cho phép Thầy chỉ ngồi không tu tập, vì vậy Thầy vừa làm để sống và vừa lo tu tập. Hơn 9 năm trời ôm pháp môn tri vọng, đến lúc buông hết vọng tưởng Thầy lọt vào trong cái đại tử của nhà thiền, mắt vẫn thấy, tai vẫn nghe, nhưng ý không khởi niệm phân biệt. Sau hai tháng ở trong trạng thái này, lúc xả ra khi chân cấn vào bàn Phật thì Thầy thấy tâm vẫn còn tham sân si, thậm chí còn mạnh hơn lúc chưa tu, nhưng khéo lý luận che đậy bằng ngôn ngữ thường gặp trong kinh sách Thiền tông và Đại thừa như: “Tự tại vô ngại, đói ăn, khát uống, mệt đi ngủ”, “Còn thấy tu chứng là chưa chứng”… Thầy thấy mặc dù thông suốt tất cả các công án của nhà thiền nhưng không làm chủ được sanh, già, bệnh, chết và tâm ham muốn vẫn còn. Quá thất vọng cho một đời tu gần 10 năm gian khổ mà chỉ có một số tưởng giải để lý luận hơn thua, Thầy muốn vào rừng tự tử, nhưng thương xót mẹ già 90 tuổi vẫn hàng ngày tận tuỵ hộ thất cho Thầy tu hành, nếu làm vậy là bất hiếu.

Bấy giờ, trong trạng thái gần như muốn điên loạn, Thầy mới lấy bộ kinh Trung Bộ song ngữ do Hòa thượng Minh Châu dịch, đọc cho hết thời gian, đọc đến những câu: “Khi tác ý một tướng khác thì tướng kia sẽ bị diệt” hoặc “Quán ly tham tôi biết tôi hít vô”… Thầy như bừng tỉnh, Thầy áp dụng vào đời sống tu hành của mình ngay liền. Chỉ sau 6 tháng tu tập xả tâm suốt ngày đêm không nghỉ ngơi theo phương pháp Chánh Niệm Tĩnh Giác câu hữu với pháp Như Lý Tác Ý bằng câu trạch pháp đơn giản: “Tâm như cục đất, ly hết tham, sân, si đi!” mà thành công vĩ đại không ngờ. Vào thời khuya, ngày mùng 9 tháng 9 âm lịch năm 1980 (tức ngày 17 tháng 10 năm 1980 dương lịch) Thầy chứng đạo, làm chủ hoàn toàn sinh, già, bệnh chết.

Nghĩa là mọi dục lạc thế gian không còn cám dỗ được Thầy, bệnh tật, già yếu, lụm cụm không tác động được vào tâm của Thầy, Thầy muốn sống là sống, muốn chết là chết dễ như trở bàn tay. Từ nay, trên hành tinh này đã xuất hiện một bậc giải thoát kể từ sau khi những Thánh đệ tử cuối cùng của Đức Phật nhập diệt cách đây đã gần 26 thế kỷ. Thầy vẫn sống trong thế gian mà tâm hồn thì đã vượt thoát thế gian, Thầy vẫn sống bình thường mà phi thường vì không còn bị nhân quả chi phối, tâm luôn luôn bất động, thanh thản, an lạc và vô sự.

Như vậy, sau gần 10 năm giam mình trong cô đơn hiu quạnh, Thầy mở cửa thất bước ra làm “Người chiến thắng”. Thầy nói với mẹ: “Từ nay mẹ khỏi mang cơm vào thất, vì con sẽ ra đây ăn cơm với mẹ. Con đã tu xong rồi”. Có lẽ lời hứa nguyện từ kiếp nào đã thành, bà cụ ra đi sau đó ba tháng.

Kể từ nay, chân lý đã được soi đường trở lại!

Sự thành công làm chủ giặc sinh tử của Thầy mở màn cho công cuộc dựng lại chánh pháp của Đức Phật Thích Ca, thắp sáng lên nền đạo đức nhân bản – nhân quả, sống không làm khổ mình khổ người cho nhân loại trên hành tinh này.

Bằng kinh nghiệm thực chứng của mình, Thầy chỉnh đốn những điều sai trái trong Đạo Phật, gióng lên tiếng rống sư tử chúa, thức tỉnh mọi người trở về với con đường chân chánh của Phật giáo mà bấy lâu nay mọi người vẫn lầm lạc trong rừng kinh sách phát triển được gán nhãn hiệu Phật giáo.

Chùa Am xưa, sau này là Tu viện Chơn Như đã rộng cửa cho các tu sinh và Phật tử về tu học. Thầy đã hướng dẫn họ tu hành đúng chánh pháp của Phật là diệt ngã, xả tâm, ly dục ly ác pháp theo lộ trình Giới – Định – Tuệ.

Giai đoạn thứ nhất là tạo duyên giáo hóa và chấn chỉnh Phật giáo. Thầy giải đáp mọi thắc mắc của quý tu sinh và Phật tử về những điều đúng sai, cái nào của Phật giáo, cái nào là của các pháp môn ngoại đạo lồng vào giáo pháp của Đức Phật, các kiến chấp và pháp tu trong Đạo Phật… phần lớn được tập hợp lại trong bộ sách Đường Về Xứ Phật gồm 10 tập; cũng như chú giải lại những lời gốc Phật dạy trong tập sách cùng tên, những kinh điển cho mọi thế hệ tu hành mãi mãi về sau.

Biết bao nhiêu thế hệ tu sinh, Phật tử được Thầy đào tạo, nhưng do ảnh hưởng bởi lối tu ức chế tâm của giáo pháp phát triển trước lúc đến với Thầy, nên Thầy phải điều chỉnh họ đi đúng con đường xả tâm của đạo Phật như uốn nắn những cây tre già đã bị cong.

Giáo Án Đường Lối Tu Tập Của Đạo Phật năm 1997 là chương trình đào tạo được Thầy triển khai để điều chỉnh cách thức tu hành của các tu sinh trở về con đường xả tâm ly dục ly ác pháp của Phật giáo.

Thầy vừa dạy tu sinh, Phật tử, vừa viết sách để phá cái sai dựng lại cái đúng của Phật giáo, giai đoạn này mất 25 năm.

Đức Phật là người đầu tiên thuyết giảng Tứ Diệu Đế để chuyển bánh xe chánh pháp, thì sau hơn 25 thế kỷ, chính Thầy là người đã làm sống lại con đường Giới – Định – Tuệ, dựng lại con đường Đạo Đế đã bị các Tổ sau này kiến giải làm cho sai lệch khiến cho Đạo Phật bị mất đi phương pháp tu hành. “Đại cương về Đạo đế” là lời tuyên thuyết lần thứ 2 của Thầy, đánh dấu cho công cuộc dựng lại chánh pháp của Đức Phật, mở đường cho lớp Bát Chánh Đạo ra đời vào cuối năm 2005.

Đến đây đã đủ duyên để bắt đầu bước sang giai đoạn thứ hai là đào tạo người tu chứng theo đúng chương trình đào tạo Bát Chánh Đạo.

Thầy là người đã tổ chức chương trình giáo dục đào tạo lớp Chánh Kiến, lớp học Bát Chánh Đạo đầu tiên trên hành tinh này với giáo án tu tập hết sức chi tiết và cụ thể, căn bản nhất cho những người tu hành mà tầm quan trọng của nó như Thầy đã nói là: “Nếu không có chánh kiến thì sẽ không bao giờ có sự giải thoát”.

Hầu hết từ xưa đến giờ người ta dạy chúng ta nhiếp tâm, an trú tâm và hiểu biết lời Phật dạy chứ không có ai dạy cách thức triển khai tri kiến trở thành sự hiểu biết của chính mình. Cho nên, lớp Chánh Kiến 2005 -2006 do Thầy triển khai đã đi vào lịch sử loài người, vì nó giúp cho mọi người biết cách thức triển khai tri kiến để có sự hiểu biết của chính bản thân mình, tức là thấu suốt lý như thật của các pháp để xả tâm, ly dục ly ác pháp, để sống không làm khổ mình khổ người. Cách thức triển khai sự hiểu biết không làm khổ mình khổ người đó gọi là Định Vô Lậu, mà Thầy đã nhấn mạnh: “Tứ Thánh Định không ngoài Định Vô Lậu”.

Và chính Thầy cũng là người soạn thảo và giảng dạy Giáo Án Rèn Nhân Cách Lớp Ngũ Giới, bộ sách giáo khoa dạy về đạo đức làm người đầu tiên trên hành tinh này.

Rồi những lớp đào tạo chuyên sâu người chứng đạo để tiếp nối ngọn đèn chánh pháp mà Thầy đã dựng lại với các pháp hành rõ ràng, cụ thể được Thầy triển khai.

Đạo Phật là một nền đạo đức của con người, chứ không phải là tôn giáo, nên từ lúc tu xong Thầy đã có tâm nguyện xây dựng các Trung Tâm An Dưỡng để tất cả mọi người không phân biệt đối tượng và tôn giáo đều được tới học đạo đức nhân bản – nhân quả, được chăm sóc về cả thể chất và tinh thần theo chương trình Bát Chánh Đạo. Đây là giai đoạn thứ ba, khi đào tạo xong những người tu chứng sẽ đi về các Trung Tâm An Dưỡng dạy đạo đức nhân quả cho mọi người. Tiếc là chúng sanh chưa đủ duyên nên tâm nguyện này của Thầy chưa hoàn thành.

Cứ thế Thầy vừa giảng dạy tu sinh, trả lời Phật tử, viết sách và gầy dựng cơ sở tu hành, miệt mài trong công cuộc chấn hưng Phật giáo gần 34 năm. Khoảng gần 45 bộ sách với gần 70 cuốn, hơn 2.000 bài pháp âm được ghi âm, hàng chục video bài giảng và hàng ngàn bức tâm thư… được lưu lại. Tuy vẫn còn thiếu sót và mất mát trong việc kết tập, nhưng cũng đã đủ những tư liệu cần thiết, rõ ràng, cụ thể và khoa học để cho mọi người nương vào đó mà tu hành từ thấp đến cao, từ việc sống đúng đạo đức không làm khổ mình khổ người và khổ chúng sanh cho tới quả giải thoát rốt ráo.

Vì nền đạo đức nhân bản – nhân quả cho loài người, vì sự giải thoát của chúng sanh còn đau khổ mà Thầy chưa từng có một ngày nghỉ ngơi. Cho đến gần 80 tuổi, ngày một bữa thọ trai mà Thầy vẫn khỏe khoắn đi lại hàng ngàn cây số khắp mọi miền đất nước để ban rãi pháp âm, làm lễ Quy y, truyền Bát Quan Trai giới, khai thị, giải nghi, sách tấn cho những người hữu duyên tiến tu giải thoát.

Công cuộc dựng lại chánh pháp là cả một quá trình đầy vất vả, gian lao. Biết chúng sanh khó độ, nhưng vì thương mà Thầy tạo duyên giáo hóa, nên Thầy phải bao phen vào nguy ra khốn. Thầy luôn đứng trên đầu sóng ngọn gió chèo lái con thuyền chánh pháp, dìu dắt lớp lớp bao thế hệ tu sinh, Phật tử để những danh từ “Đạo đức nhân bản – nhân quả, sống không làm khổ mình khổ người” đi vào tâm hồn và biến dần thành những hành động sống cho mọi người. Từ đó hành tinh này sẽ có nền đạo đức không làm khổ mình khổ người, những đạo đức sâu mầu, cao thượng, đầy đủ đức hạnh trọn vẹn của một con người. Nhờ vậy, con người mới bình an sống trên hành tinh này.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã để lại giáo pháp của mình cho chúng sinh đó là làm xong trách nhiệm bổn phận của mình, còn tu hay không tu là trách nhiệm bổn phận của chúng sinh. Cũng như hiện nay Thầy đã dựng lại chánh pháp của Phật là trách nhiệm bổn phận của người tu chứng đã làm xong, còn tin hay không tin là trách nhiệm bổn phận của chúng sinh, chứ không phải của người tu chứng.

Khoảng gần 12 giờ khuya ngày 1/1/2013 (nhằm ngày 20/11 Nhâm Thìn), Thầy xả bỏ báo thân, an trú trong trạng thái bất động, thanh thản, an lạc, vô sự vĩnh viễn, để lại cho nhân loại gương hạnh đạo đức của bậc tu hành giải thoát cao thượng tuyệt vời và nền đạo đức nhân bản – nhân quả, sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sinh.

Hơn 2500 năm trước, Đức Phật Thích Ca, một người Ấn Độ tại nước Nepal đã tu chứng làm chủ sanh – già – bệnh – chết, tìm ra Bốn chân lý Khổ – Tập – Diệt – Đạo của loài người, làm đảo lộn tư tưởng của con người thời đó, lật nhào 62 luận thuyết của ngoại đạo, tạo nên cơn chấn động về nhận thức của loài người.

Ngày nay, vào cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21 này, tại Trảng Bàng – Tây Ninh, quê hương Việt Nam, Thầy của chúng ta, Trưởng lão Thích Thông Lạc, bậc chân tu tu hành giải thoát như Phật, lại một lần nữa tạo nên cơn địa chấn làm rung chuyển toàn bộ nhận thức của các tôn giáo và hệ tư tưởng đương thời, đem lại nhận thức đúng đắn về thế giới quan và nhân sinh quan cho toàn thể nhân loại.

Do Bốn Chân Lý này mà tất cả các tôn giáo khác đều rúng động, những tư tưởng về thế giới siêu hình như: Thần Thánh, Phật, Tiên, quỷ ma… đều bị lộn đầu xuống đất; và những pháp môn cầu tha lực, trốn khổ để về các cõi Thiên đàng, Cực lạc… được xác định là mơ hồ ảo tưởng, không có thật.

Từ Bốn Chân Lý này, Đức Phật đã giảng dạy và đức Trưởng lão Thích Thông Lạc đã dựng lại nền đạo đức sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh cho con người.

Đây là cuộc cách mạng vĩ đại về tư tưởng và phương cách sống mà đã hơn 25 thế kỷ qua bị che mờ bởi tà giáo ngoại đạo kể từ sau khi những Thánh đệ tử cuối cùng của Đức Phật nhập diệt, khiến cho con đường tu tập giải thoát của Đạo Phật giáo bị bít lối, thì nay đã được Thầy soi đường trở lại.

Đức Phật Thích Ca là người đầu tiên triển khai nền đạo đức nhân bản – nhân quả tại Ấn Độ, được biết qua giáo lý nhà Phật có tên là “NGŨ GIỚI và THẬP THIỆN”. Ngày nay, Trưởng lão Thích Thông Lạc dựng lại và chuyển đổi nền đạo đức văn hóa của Ấn Độ thành nền đạo đức văn hóa của dân tộc Việt Nam, có tên là “ĐẠO ĐỨC NHÂN BẢN – NHÂN QUẢ, SỐNG KHÔNG LÀM KHỔ MÌNH, KHỔ NGƯỜI VÀ KHỔ CHÚNG SANH”.

Dân tộc Việt Nam vinh dự là những người đầu tiên được thọ hưởng nền đạo đức này.

Chúng ta may mắn được có người Thầy mà đức hạnh là cả một đời tu hành không làm khổ bất cứ một chúng sanh nào. Thầy là bậc ân nhân của nhân loại và mãi là tấm gương đạo đức cho con người trên hành tinh này noi theo.

Chánh pháp đã được Thầy triển khai dựng lại!

Tháng 12 năm 2017

Kính ghi,

BBT thuvienthaythonglac.net